Stablecoin là gì? Tại sao nhiều người trong giới đầu tư lại nhắc đến? chúng có tác dụng gì trong thị trường đầu tư crypto? Nếu bạn đang chuẩn bị tham gia vào thị trường này thì không thể không tìm hiểu về stablecoin, một trong những thông tin quan trọng bạn cần phải biết để có thể đầu tư hiệu quả. Trong bài viết này sẽ chia sẻ đến bạn tất cả các thông tin về stablecoin.
1.Stablecoin là gì?
Stablecoin là một loại Crypto (tiền mã hóa) được niêm yết giá trị cố định theo một tài sản cố định nào đó như: tiền pháp định, kim loại quý (vàng, bạc…), hoặc là một đồng tiền mã hóa khác.
Ví dụ điển hình bạn có thể thấy đồng Tether USDT được niêm yết theo giá trị của đồng USD Mỹ. Tức là 1 USDT = 1 USD.
Đặc tính của stablecoin là giá trị ổn định, bảo mật cao và phi tập trung (không chịu sự quản lý của cá nhân, tổ chức quyền lực nào).
2.Tác dụng của stablecoin trong thị trường đầu tư crypto là gì?
Nếu bạn đã biết đến đồng tiền mã hóa Bitcoin thì bạn sẽ thấy mức độ biến động giá trị của nó khá cao, tính theo giờ, theo ngày, theo năm mức độ biến động vài trăm USD thậm chí vài nghìn USD là chuyện bình thường.
Mức độ biến động như vậy thì thích hợp cho những người tham gia đầu tư hoặc đầu cơ rất thích điều này. Nhưng nếu xét trong ứng dụng thực tế vào thanh toán trong đời sống thì nó lại không khả thi.
Bạn thử nghĩ mà xem, nếu một công ty trả lương cho nhân viên bằng tiền mã hóa, nhưng vào hôm sau giá trị nó bị giảm đi mất 20-30% thì không thể chấp nhận được.
Chính vì vậy, đồng stablecoin được ra đời nhằm kết nối giữa tiền pháp định truyền thống và tiền mã hóa với mục đích là ổn định giá trị tài sản và là phương tiện trao đổi mua bán với các đồng tiền mã hóa khác.
3.Các loại stablecoin
Stablecoin được chia làm 2 loại là stablecoin thế chấp và không thế chấp. Hay còn gọi là backed và non-backed.
3.1.Stablecoin thế chấp (Backed)
A.Stablecoin thế chấp bằng tiền pháp định (Fiat-Backed)
Loại stablecoin này sử dụng tiền pháp định (tiền giấy, tiền pháp định truyền thống) làm thế chấp theo tỷ lệ giá trị là 1:1, lượng cung stablecoin tương đương với lượng tiền pháp định dữ trữ của đơn vị phát hành.
Có nghĩa là, nếu đơn vị cung ứng 1.000.000 Stablecoin trong thị trường tiền mã hóa niêm yết theo USD thì đơn vị này cũng phải đảm bảo có 1.000.000 USD tiền pháp định được lưu trữ trong ngân hàng.
Các đồng stablecoin thế chấp theo tiền pháp định phổ biến mà bạn thường thấy như: USDT (Tether), BUSD (Binance USD), USDC (USD coin), TUSD (TrueUSD), PAX (Paxos standard),…
A.1.Ưu điểm
Đảm bảo cố định giá 100%.
Tài sản không tồn tại trên blockchain, giảm rủi ro về hack.
A.2.Nhược điểm
Không có tính minh bạch do không hoạt động trên blockchain.
Được quản lý tập trung bởi 1 tổ chức.
B.Stablecoin thế chấp bằng kim loại quý (vàng, bạc,…)
Cũng giống như stablecoin thế chấp bằng tiền pháp định, thì loại stablecoin này được thế chấp bằng các kim loại quý như vàng, bạc,…
C.Stablecoin thế chấp bằng tiền mã hóa (Crypto-Backed)
Stablecoin loại này được thế chấp bằng tiền mã hóa. Nhưng bạn biết đấy, tiền mã hóa thì mức độ biến động cao. Nghe có vẻ như đang đi ngược với tiêu chí “giảm mức độ biến động giá trị”.
Tuy nhiên, vấn đề này được giải quyết bằng cách thế chấp nhiều hơn. Có nghĩa là 100$ stable coin = 200$ Crypto.
Nếu trong trường hợp Crypto thế chấp bị giảm giá trị thấp hơn với stablecoin thì hệ thống hợp đồng thông minh (smart contract) sẽ thanh lý tài sản thế chấp nhằm đảo bảo ổn định stablecoin.
Tài sản thế chấp được lưu trữ trên nền tảng công nghệ blockchain và khóa trong hợp đồng thông minh (smart contract) để đảm bảo sự minh bạch và tính phi tập trung cho stablecoin thế chấp tiền mã hóa này.
Các đồng stablecoin thế chấp bằng tiền mã hóa phổ biến như: DAI (MakerDAO), RSV (Reserves), BitUSD (Bitshares),…
C.1.Ưu điểm
Phi tập trung, không chịu sự quản lý của cá nhân hoặc tổ chức quyền lực.
Đảm bảo tính minh bạch do hoạt đồng trên công nghệ blockchain.
C.2.Nhược điểm
Stablecoin tự động bị thanh lý khi tài sản thế chấp biến động vượt ngưỡng.
So với stablecoin thế chấp tiền pháp định thì mức biến động của stablecoin thế chấp crypto có mức biến động cao hơn.
Phức tạp, khó hiểu hơn các loại stablecoin khác.
3.2.Stablecoin không thế chấp (non-backed)
Stablecoin dạng này không thế chấp bởi bất kỳ loại tài sản nào, giá trị được xác định dựa theo quy luật cung cầu của thị trường.
Nói tóm lại, stablecoin dạng này sẽ hoạt động dựa trên cơ chế thuật toán co giãn cung cầu nhằm xác định nên mở rộng hay thu hẹp nguồn cung số lượng stablecoin ra thị trường. Việc này giúp ổn định giá trị.
Các đồng stablecoin không thế chấp phổ biến như: Carbon, Nubits, Kowala,…
A.Ưu điểm
Phi tập trung, không chịu sự quản lý của tổ chức quyền lực nào.
Không cần tài sản thế chấp.
B.Nhược điểm
Nếu thị trường suy giảm thì sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Phức tạp và khó phân tích được sự an toàn.
4.Nên sử dụng stablecoin nào để lưu trữ tài sản trong đầu tư?
Những người đầu tư trong thị trường crypto thường lựa chọn đồng stablecoin thế chấp tiền pháp định để lưu trữ tài sản.
Đây là một lựa chọn tốt nhất bởi vì dễ sử dụng, rủi ro thấp, dễ dàng sử dụng trao đổi mua bán các đồng crypto khác và dễ dàng thanh khoản.
Cụ thể là đồng USDT được sử dụng rất phổ biến, bạn có thể nhìn thấy hầu hết các cặp giao dịch là *Crypto*/USDT.